Bối cảnh Khởi nghĩa tháng 8 năm 1944 tại Romania

Lãnh thổ Rumani trong giai đoạn 1941-1944, sau khi cắt vùng Transilvania cho Hungary và lấy lại vùng Bessarabia, Bắc Bukovina của Liên Xô.

Từ cuối thập niên 1930, chính phủ Rumani đã nằm dưới sự ảnh hưởng của các thế lực cực hữu thân phát xít do Ion Antonescu đứng đầu và sau đó trở thành một đồng minh thân cận của nước Đức Quốc xã. Ngày 22 tháng 6 năm 1944, quân đội Rumani cùng với quân Đức Quốc xã tiến hành xâm lược Liên Xô và tham chiến tích cực tại các chiến trường Nam Ukraina, Krym, Kuban và Bắc Kavkaz. Vùng Bessarabia, Transnistria, Bắc Bukovina được trả lại cho Rumani (để bù lại vùng Transilvania bị cắt cho Hungary) và người Rumani cho rằng, như thế chiến tranh đối với họ đã kết thúc. Tuy nhiên, tại trận Stalingrad, quân đội Rumani đã bị đánh tan tác cùng với Tập đoàn quân số 6 (Đức). Tiếp theo đó, trong các năm 1943-44 quân Rumani cùng với quân Đức liên tục bị đánh bại và đẩy lui trong các chiến dịch tấn công của Hồng quân, và đến mùa xuân 1944 quân đội Liên Xô đã tiếp cận vùng Transnistriasông Bug Nam.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã thường xuyên khuyến khích người nông dân tham gia canh tác trên đất đai của họ, nhưng những lời cầu khấn suông của ông đã không thành công. Chúng ta cần phải áp dụng các biện pháp độc đoán xét trên sự cứng đầu của những người nông dân...

Trích đoạn bài viết đăng trên báo "Universul" năm 1944[1]

Tình hình trong nước cũng không sáng sủa hơn ngoài chiến trường. Chi phí khổng lồ cho cuộc chiến tranh cũng như sự phụ thuộc vào nước Đức đã vắt kiệt sức nền kinh tế Rumani. Bản thân trong năm 1943, Ion Antonescu đã ước tính cuộc chiến với Liên Xô sẽ ngốn chừng 300 tỉ leu của Rumani, đồng thời phía Đức đã lấy đi của Rumani hơn 8 triệu tấn dầu hỏa, đe dọa nghiêm trọng đến trữ lượng dầu khí của nước này.[2] Bị rút cạn nguồn dầu khí, hao tổn quá nhiều tiền của cho việc sản xuất vũ khí và vật liệu chiến tranh, danh sách thương vong trên chiến trường thì càng ngày càng dài ra, nước Rumani bước vào năm 1944 với một nền kinh tế đang trong cuộc khủng hoảng toàn diện. Lạm phát ngày một tăng cao ở mức độ khủng khiếp: giá trị đồng leu Rumani trong năm 1944 chỉ bằng 1/20.000 so với giá trị đồng leu Rumani sau chiến tranh.[1] Những thắng lợi của quân đội Liên Xô trong nửa đầu năm 1944 giáng thêm những đòn nặng vào tình hình nội bộ của Rumani. Thắng lợi của Chiến dịch tấn công hữu ngạn Dniepr đã giúp Liên Xô lấy lại vùng Tranistria, Bukovina, Odessa và miền Bắc Bessarabia/Moldova[3], tước đi một nguồn cung cấp nguyên liệu và nhiên liệu đáng kể của Rumani. Trong lĩnh vực nông nghiệp, chính quyền Rumani cũng gặp nhiều khó khăn và thiệt hại lớn do người nông dân quá chán ngán sưu cao thuế nặng đã đình công và lãn công. Thất bại về quân sự, kiệt quệ về kinh tế, mất hết những lãnh thổ đoạt được hồi đầu chiến tranh[4], người Rumani dần dần cảm thấy mình đang lao đầu vào một cuộc chiến tranh vô vọng và vô nghĩa.

Vì thế, các phong trào chống phát xít và yêu cầu rút khỏi chiến tranh càng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ngay trong nội bộ chính phủ và hoàng cung, một số giới chức Romania đã tìm cách liên lạc với các đồng minh Anh - Mỹ để "mời" họ tiến vào Romania trước quân đội Liên Xô (đây là một trong những phương án mở Mặt trận thứ hai ở Tây Âu được thủ tướng Anh Winston Churchill đưa ra tại Hội nghị Tehran tháng 12 năm 1943 nhưng không được Liên Xô và Hoa Kỳ hưởng ứng). Trong khi đó, gần 285.000 đảng viên cộng sản Romania đang chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang để lật đổ chế độ thân phát xít ở Romania.[5] Từ đầu năm 1944, Berlin đã nhận được nhiều cảnh báo của tướng Johannes Frießner về sự không trung thành trong chính phủ của Ion Antonescu, về việc thủ tướng Romania đã để cho quá nhiều phần tử chống Đức Quốc xã lọt vào chính phủ và quân đội Romania, rằng trên mặt trận các binh sĩ Romania và cả lính Đức đang bí mật truyền tay nhau những tờ truyền đơn của các "quân phiến loạn bí mật" ở Romania (ám chỉ Đảng Cộng sản Romania). Những lời bàn tán trong dư luận âm ỷ về việc Romania sẽ theo Anh-Mỹ hay theo Đức cũng được các sĩ quan Romania nửa kín nửa hở trao đổi với nhau.[6]

Trên trường quốc tế, không chỉ Liên Xô mà các nước Đồng Minh phương Tây cũng liên tục gây sức ép yêu cầu Rumani rời bỏ phe Trục. Ngày 12 tháng 4 năm 1944, chính phủ Liên Xô đã chủ động đàm phán với Rumani đề nghị nước này rút khỏi chiến tranh, nhưng bị Ion Antonescu từ chối[7]. Ngày 13 tháng 5 năm 1944, các nước đồng minh Anh, Hoa Kỳ và Liên Xô đã cùng ra một tuyên bố mạnh mẽ gửi chính phủ thân phát xít ở các nước Hungary, Romania, Bulgaria và Phần Lan:

Chính sách hiện nay của các chính phủ Hungary, Romania, Bulgaria và Phần Lan đã củng cố thêm cho bộ máy chiến tranh của nước Đức Quốc xã. Các nước này có thể rút ngắn thời hạn kết thúc chiến tranh ở châu Âu, giảm bớt tổn thất cho chính mình bằng cách góp phần vào thắng lợi của các nước đồng minh. Muốn vậy, họ phải rút khỏi chiến tranh, đình chỉ ngay việc hợp tác với nước Đức Quốc xã đang có hại đối với chính họ và sử dụng mọi lực lượng, phương tiện hiện có để chống lại chế độ Quốc xã Đức. Họ cần quyết định ngay là họ sẽ ngoan cố bám giữ lấy chính sách nguy hiểm và vô vọng của họ hay là sẽ đóng góp vào thắng lợi chung với các nước đồng minh và do đó, sẽ tránh được trách nhiệm liên lụy đến cuộc chiến tranh của chính quyền Đức Quốc xã
— Thay mặt chính phủ các nước đồng minh Anh, Hoa Kỳ và Liên Xô: Anthony Eden, Cordell Hull, Vyacheslav Molotov[8]

Nhằm kéo sự chú ý của dân chúng khỏi tình hình khó khăn trong nước, chính quyền Antonescu tìm cách chuyển mâu thuẫn ra nước ngoài bằng cách khiêu khích, gây hấn với nước Hungary láng giềng, qua đó hy vọng người dân vì lo chú ý đến vấn đề Hungary có thể tạm quên đi sự khó khăn trong nước. Trong mùa xuân 1944, giữa biên giới Rumani-Hungary đã xảy ra nhiều cuộc chạm súng nhỏ giữa hai bên[1]. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ làm căng thẳng thêm tình hình và tạo điều kiện cho nước Đức Quốc xã thừa nước đục thả câu. Đến mùa hè năm 1944, vị thế chính trị của chính phủ Antonescu đã rất gần bờ vực sụp đổ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Khởi nghĩa tháng 8 năm 1944 tại Romania http://google.com/search?q=cache:QseMeuH0y10J:www.... http://www.questia.com/read/82359442 http://bse.sci-lib.com/article023286.html http://www.cvce.eu/obj/european_navigator-en-d95dc... http://files.osa.ceu.hu/holdings/300/8/3/text/53-1... http://ava.md/society/015757-s-dnem-velikoi-pobedi... http://old.ournet.md/~moldhistory/book1_4.html http://www.historia.ro/exclusiv_web/general/artico... http://www.historia.ro/exclusiv_web/general/artico... http://www.historia.ro/exclusiv_web/general/artico...